Tai tiếng vì đa cấp
Dưới cái nắng oi ả giữa tháng 5, chúng tôi có dịp tìm về buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nơi mà hàng trăm hộ dân bị đa cấp "ghé thăm", khiến người dân mất hàng tỉ đồng.
ad2
ad2Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Y L. Knul (SN 1971), là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào Công ty Nấm Linh Chi (đường Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, ông được biết đến và tham gia vào công ty đa cấp này là rất tình cờ.
Một lần ông đang tham gia tại Công ty Thiên Ngọc Minh Uy thì biết được bà H'X., một người làm việc cho chi nhánh Công ty Nấm Linh Chi tại Đắk Lắk.
Ông Y L. Knul nhất định không nghe lời gọi mời của các công ty đa cấp sau nhiều lần bị lừa đảo. Ảnh: Trang Anh. |
"Tại đây, bà H'X. nói tôi tham gia và nói đóng vốn tham giá 12 triệu đồng. Nếu mời được 2 người trong tháng đầu sẽ được trả 9 triệu; 2 người trong tháng tiếp sẽ được 26 triệu; đến tháng thứ 3 nếu mời được 6 người sẽ được 60 triệu, trừ các khoản đóng góp, tôi thu về được 45 triệu đồng", ông Y L. nói.
Nhận thấy món hời trước mắt, bản thân ông Y L. đã kêu gọi anh em trong gia đình tham gia. Bên cạnh đó, những người dân nào hỏi đến ông đều chỉ bảo tận tình đường đi nước bước.
Ba tháng đầu tiên công ty trả tiền lãi đều nên bản thân ông Y L. bị cuốn hút. Theo đó, trong vòng 5 tháng tham gia góp vốn tại Công ty Nấm Linh Chi, ông Y L. đã giới thiệu hơn 20 người vào tham gia cùng.
"Ba tháng đầu công ty trả lãi rất đều nên tôi nghĩ sẽ nhanh chóng có lời. Hai tháng sau đó, công ty chậm trễ và liên tục hứa hẹn ngày trã lãi, nhưng mãi chẳng thấy đâu. Sau đó, tôi và một số người dân làm đơn tố cáo gửi lên các cấp chính quyền nhờ giúp đỡ", ông Y L. bộc bạch.
Ông Y L. còn cho hay, sau khi biết mình bị lừa đảo, ông còn bị nhiều người chỉ trích và cho rằng ông tiếp tay cho công ty để lừa đảo người dân. Sau đó, cũng có nhiều công ty đa cấp gọi điện đến ông để mời tham gia, nhưng ông đều từ chối hết.
"Sau bao lần tham gia, giờ tôi đã nhận ra các công ty đa cấp đều cùng một ruột với nhau. Nếu không tham gia vào đây, có lẽ kinh tế của gia đình tôi đã khá giả hơn nhiều. Từ nay tôi nhất định không nghe lời gọi mời của các công ty đa cấp nữa", ông Y L. quả quyết nói.
Con cái nghỉ học vì đa cấp
Dưới căn nhà sàn đơn xơ, nắng chiếu xuyên qua các thanh gỗ, mưa tạt không chỗ nào là không ướt, em H'G. Krông (18 tuổi) ngồi thẫn thờ với ánh mắt đượm buồn nhìn qua ô cửa sổ. Căn nhà của gia đình em không có gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ và chiếc giường để tựa lưng xuống mỗi đêm.
Nhiều gia đình nghèo ở buôn Tơng Jú càng thêm khốn khó vì "vòng xoáy" đa cấp. Ảnh: Trang Anh. |
Trò chuyện với H'G. , em cho hay, gia đình em có đến 5 người nhưng chỉ với 4 sào đất cằn cỗi nên không đủ lo miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Chính vì nghèo khổ nên bố mẹ em hàng ngày đều đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về.
H'G. là chị cả trong gia đình nên mọi công việc nhà dường như em đều quán xuyến. Từ khi mới lên lớp 8 em đã nghỉ học để phụ giúp gia đình, người em mới 16 tuổi của em cũng phải nghỉ học không lâu sau đó.
Về vấn đề này, H'G. cho biết, do bố mẹ em nghe lời người xấu nên tham gia góp vốn vào công ty đa cấp. Đến khi công ty bể nợ gia đình mới biết mình đã bị lừa. Từ đó, kinh tế của gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Gia đình li tán vì "bão" đa cấp
Một thân một mình ngồi trong căn nhà hiu quạnh, em H'M. Êban (SN 1997) không khỏi nhớ đến bố mẹ và người em của mình khi gần một năm nay em không được nhìn thấy gương mặt, được nghe tiếng cười nói của những người thân thương.
Từ hơn một năm trước, bố mẹ đã dẫn theo người em gái của H'M. Êban đi "trốn nợ" vì đa cấp. Ảnh: Trang Anh. |
H'M. cho hay, trước đó bố em là ông Y'L. Niê tham gia góp vốn vào Công ty Nấm Linh Chi với 7 mã, với số tiền hơn 100 triệu đồng. Tiền lãi chưa thấy đâu mà gia đình em đã hay tin công ty vỡ nợ. Bố mẹ em lo sợ các chủ nợ đến đòi tiền nên đã ra đi biệt tích từ đó đến nay.
"Khi đi, bố mẹ em kêu đi Sài Gòn thăm ông ốm, nhưng mãi không thấy về. Mãi sau em mới biết bố mẹ và em gái không có xuống chỗ ông. Từ đó, em phải thuê người làm 1,3 ha đất rẫy để lấy tiền trả nợ cho bố mẹ. Hiện nay gia đình em vẫn đang nợ hơn 60 triệu nữa, số tiền lãi lại tiếp tục nâng lên hàng ngày", H'M. nói.
Giờ đây, H'M. chỉ mong bố mẹ và em gái mau chóng trở về để làm ăn, mau chóng trả hết nợ để gia đình được sum vầy, hạnh phúc như xưa.
Bản nghèo vướng đa cấp: 'Rút giấy phép để chuyển lên thành tập đoàn'? | |
Bản nghèo 'dậy sóng' với đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Văn Huyến, Trưởng Công an xã Ea Kao cho biết, sau khi biết mình bị lừa nhiều người dân đã đến cơ quan chức năng trình báo về vụ việc.
Sau đó, đơn vị đã hướng dẫn các thủ tục pháp lí để người dân làm đơn tố cáo gửi lên Công an tỉnh Đắk Lắk.
Cũng theo vị Trưởng Công an xã, thống kê tại xã đã có 42 người dân tham gia góp vốn vào Công ty Nấm Linh Chi với số tiền gần 2 tỉ đồng. Đáng chú ý, không chỉ người dân bị đa cấp dụ dỗ mà còn có nhiều cán bộ về hưu cũng rơi vào "tầm ngắm" của đa cấp.
"Trong thời gian qua, lực lượng công an xã đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã, trong những cuộc họp để người dân cảnh giác hơn, không dễ dàng bị các công ty đa gấp lừa gạt", ông Huyến thông tin.